Sùi mào gà: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Cập nhật: 14:52 01/02/2024.
 
Đỗ Nguyễn Thảo Uyên
Thẩm định nội dung bởi

Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thảo Uyên

Nội – Lão khoa

Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thảo Nguyên, chuyên khoa Nội – Lão khoa tại Phòng khám ECHO – MEDI hiện là bác sĩ thẩm định bài viết của Nhà thuốc An Khang.

Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus HPV gây ra. Bệnh gặp ở cả nam lẫn nữ và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như ung thư, vô sinh, ảnh hưởng thai kỳ. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh sùi mào gà qua bài viết sau đây!

1Sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà (hay mụn cóc sinh dục) là những nốt sùi mềm xuất hiện trên bộ phận sinh dục, có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc dày đặc lên thành hình dạng giống như súp lơ hoặc mào gà, gây đau, khó chịu, ngứa ngáy.

Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do chủng virus HPV – Human papilloma virus gây ra. 90% các chủng gây bệnh sùi mào gà là các chủng virus HPV nguy cơ thấp gồm HPV 6 và HPV 11, khác với các chủng nguy cơ cao gây chứng loạn sản và ung thư cổ tử cung. Đối với bệnh này, chỉ 10% là có nhiễm HPV khi tiếp xúc với nguồn lây.

Bệnh gặp ở cả nam lẫn nữ, phổ biến ở thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn. Hiểu được nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có biện pháp điều trị và phòng ngừa lây nhiễm là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình.

Sùi mào gà là những nốt sùi mềm xuất hiện trên bộ phận sinh dục, có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc thành cụm

Sùi mào gà là những nốt sùi mềm xuất hiện trên bộ phận sinh dục, có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc thành cụm

2Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà

Khoảng 90% bệnh nhân mắc sùi mào gà là do HPV nguy cơ thấp loại 6 và 11 gây ra.

Có hơn 100 chủng virus HPV đã biết, trong đó 30 đến 40 chủng HPV đặc biệt ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, nhưng chỉ một vài trong số các chủng này gây ra sùi mào gà. Mụn cóc ở các bộ phận khác sẽ do các chủng HPV khác gây ra.

Sùi mào gà có thể lây nhiễm qua các cách sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, hậu môn, miệng…
  • Tiếp xúc trực tiếp: sùi mào gà có thể lây truyền khi tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc các vùng da khác có mụn cóc của người nhiễm bệnh.
  • Dùng chung vật dụng cá nhân: gồm đồ chơi tình dục, bàn chải đánh răngdao cạo râu, quần áo hoặc đồ vệ sinh cá nhân với người mắc sùi mào gà. Những vật dụng này có thể mang theo dịch mủ của người bệnh và lây nhiễm cho người sử dụng sau đó.
  • Từ mẹ sang con: bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở, tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến.

Không phải lúc nào nhiễm virus cũng biểu hiện thành triệu chứng. Vì vậy việc kiểm soát nguồn lây bệnh sùi mào gà rất phức tạp.

90% bệnh nhân mắc sùi mào gà là do HPV loại 6 và 11 gây ra

90% bệnh nhân mắc sùi mào gà là do HPV loại 6 và 11 gây ra

3Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà

Virus HPV rất phổ biến, hầu hết những người có hoạt động tình dục đều bị nhiễm virus HPV vào một thời điểm nào đó. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người.
  • Mắc một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Quan hệ tình dục với người có lịch sử tình dục không biết rõ.
  • Quan hệ tình dục quá sớm.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như mắc HIV hoặc dùng thuốc chống thải ghép.

4Dấu hiệu của bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà biểu hiện bằng những nốt sùi mềm, có thể xuất hiện dưới dạng một cụm mụn cóc hoặc chỉ một mụn đơn lẻ.

Ở giai đoạn đầu, những nốt mụn này rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường, có màu hồng, màu da hoặc hơi nâu (sẫm hơn màu da một chút). Càng về sau các nốt mụn này mọc dày đặc lên, tạo thành hình dạng giống như súp lơ hoặc mào gà, khi chạm vào có cảm giác nhẵn hoặc hơi gồ ghề.

Ngoài bộ phận sinh dục, nốt sùi cũng có thể xuất hiện trên môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng của người có quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus HPV.

Dấu hiệu sùi mào gà ở nam giới

Ở nam giới, sùi mào gà có thể xuất hiện ở những khu vực sau: dương vật, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh hậu môn.

Nếu mụn cóc sinh dục lan rộng hoặc to ra, tình trạng này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc thậm chí đau đớn, chảy máu khi quan hệ.

Dấu hiệu sùi mào gà ở nữ giới

Ở nữ giới, sùi mào gà có thể xuất hiện ở những khu vực sau: bên trong/bên ngoài âm đạo hoặc hậu môn, trên cổ tử cung.

Ngay cả khi nốt sùi rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng vẫn có thể gây ra các triệu chứng như: tăng tiết dịch âm đạo, ngứa, cảm giác nóng rát, chảy máu khi giao hợp.

Mụn cóc ở bệnh sùi mào gà

Mụn cóc ở bệnh sùi mào gà

5Các chủng virus bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà là một triệu chứng của nhiễm trùng HPV (human papillomavirus) sinh dục và có 30 đến 40 chủng HPV đặc biệt ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên 90% trường hợp sùi mào gà là do HPV tuýp 6 và 11. Hai tuýp này thuộc loại HPV nguy cơ thấp, hiếm khi phát triển thành ung thư cổ tử cung.

Các tuýp HPV nguy cơ cao, dễ tiến triển thành ung thư cổ tử cung là tuýp 16 và 18.

6Giai đoạn phát triển của bệnh sùi mào gà

Giai đoạn ủ bệnh: Tính từ lúc người bệnh tiếp xúc với virus HPV cho đến khi xuất hiện nốt sùi đầu tiên, thường kéo dài khoảng 4 tuần đến 9 tháng.

Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện những nốt sùi nhỏ, màu hồng nhạt hoặc màu da, không đau, nằm rải rác trên bộ phận sinh dục hoặc các vùng xung quanh.

Giai đoạn phát triển: Những nốt sùi tăng lên về kích thước, số lượng, xuất hiện tại nhiều vị trí, gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Giai đoạn biến chứng (còn gọi là sùi mào gà giai đoạn cuối): Có dấu hiệu nhiễm trùng, vùng bị tổn thương sưng tấy, chảy dịch, loét, rất dễ chảy máu. Một số bệnh nhân phát triển biến chứng nghiêm trọng như ung thư hậu mônung thư vòm họng.

Giai đoạn tái phát: Sau khi điều trị khỏi, bệnh vẫn có thể tái phát do lây nhiễm lại virus từ bạn tình hoặc do virus HPV trong cơ thể chưa được điều trị triệt để hoàn toàn. Và tình trạng của người bị sùi mào gà tái phát thường sẽ nặng hơn nguyên phát.

Nốt sùi mào gà ở giai đoạn phát triển tăng lên về kích thước và số lượng

Nốt sùi mào gà ở giai đoạn phát triển tăng lên về kích thước và số lượng

7Sùi mào gà có nguy hiểm không?

Sùi mào gà là bệnh lý rất nguy hiểm do có khả năng lây lan nhanh và có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, ví dụ như:

  • Có thể gây ung thư: Khi bệnh đã ở giai đoạn nặng và không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ chuyển thành ác tính. Một số chủng HPV có thể dẫn đến các biến đổi tiền ung thư và ung thư tại cổ tử cung, ung thư âm đạo, hậu môn, ung thư dương vật và ung thư cổ họng hoặc miệng (với các đối tượng quan hệ bằng miệng).
  • Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Biến chứng thường gặp nhất của bệnh là gây biến dạng cục bộ, có thể làm tắc nghẽn ống dẫn tinh ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới. Ngoài ra, sự xuất hiện của virus HPV trong tinh dịch làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng.
  • Ảnh hưởng thai kỳ: Trong thời kỳ mang thai, nốt sùi có thể to ra, gây khó khăn khi đi tiểu. Nốt sùi trên thành âm đạo có thể ức chế sự co giãn của các mô âm đạo trong quá trình sinh nở. Cụm sùi lớn trên âm hộ hoặc trong âm đạo có thể gây chảy máu kéo dài trong khi sinh.
  • Ảnh hưởng thai nhi: Trẻ được sinh ra từ người mẹ bị sùi mào gà có thể sẽ phát triển mụn cóc ở thanh quản (rất hiếm). Em bé có thể cần phẫu thuật để giữ cho đường thở không bị tắc nghẽn.

8Chẩn đoán bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà thường được chẩn đoán qua khám lâm sàng bằng mắt thường. Mụn cóc nhỏ đôi khi có thể bị nhầm lẫn với u mềm lây. Nếu gặp khó khăn trong xác nhận bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số phương pháp cận lâm sàng:

  • Khám vùng chậu: Xét nghiệm phết cổ tử cung (Pap test) để kiểm tra những thay đổi ở cổ tử cung do virus gây ra. Bác sĩ cũng có thể thực hiện soi cổ tử cung để kiểm tra và sinh thiết âm đạo/cổ tử cung.
  • Khám hậu môn: Bác sĩ sử dụng một thiết bị gọi là ống soi hậu môn để nhìn vào bên trong hậu môn tìm mụn cóc.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậugiang maichlamydia vì chúng thường có mối liên quan với sùi mào gà.
  • Sinh thiết: Nên sinh thiết nếu chẩn đoán không chắc chắn hoặc nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Mẫu mô sinh thiết được khảo sát hình ảnh mô bệnh học, định type virus HPV.

Phết tế bào cổ tử cung được thực hiện để kiểm tra những thay đổi ở cổ tử cung do mụn cóc sinh dục gây ra

Phết tế bào cổ tử cung được thực hiện để kiểm tra những thay đổi ở cổ tử cung do mụn cóc sinh dục gây ra

9Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Nếu có các dấu hiệu sau, bạn nên đến các phòng khám về sức khỏe tình dục/sinh sản để được chẩn đoán và điều trị:

  • Xuất hiện 1 hoặc nhiều nốt mụn hoặc nốt sùi không đau xung quanh âm đạo, dương vật hoặc hậu môn.
  • Ngứa, chảy máu từ bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
  • Thay đổi dòng nước tiểu bình thường (ví dụ: chảy sang một bên) nhiều lần không biến mất.
  • Có bạn tình mắc bệnh.

Khi có nốt sùi ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ

Khi có nốt sùi ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ

Nơi khám và điều trị bệnh đường sinh dục uy tín

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Da liễu. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

  • Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da liễu TP HCM, Khoa Da liễu trực thuộc Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Phòng khám Y học Cổ truyền Sài Gòn chuyên khám da liễu.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung Ương, Khoa da liễu – Bệnh viện Bạch Mai

10Điều trị bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà có thể tự biến mất mà không cần biện pháp điều trị nào vì hệ thống miễn dịch có thể chống lại virus gây ra nó. Tuy nhiên, các nốt sùi có thể lớn hơn, nhân lên hoặc gây đau đớn, khó chịu khiến người bệnh tìm đến các phương pháp chữa trị.

Loại bỏ các nốt sùi không giúp điều trị căn nguyên nhưng làm giảm khả năng lây lan virus. Có thể điều trị bệnh bằng các thuốc bôi hoặc bằng phẫu thuật.

Thuốc điều trị sùi mào gà

Khi đã có chẩn đoán, bác sĩ có thể kê toa các thuốc bôi tại chỗ để điều trị sùi mào gà, bao gồm:

  • Imiquimod (Aldara): Đây là một loại kem có khả năng tăng cường miễn dịch tại chỗ, dùng bôi lên vùng bị bệnh. Loại thuốc này được chỉ định cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, hiện nay chưa có dữ liệu về sự an toàn đối với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Thuốc có thể gây một số tác dụng không mong muốn tại chỗ sử dụng như: đỏ da, kích ứng, chai, loét, trợt, mụn nước và giảm sắc tố.
  • Podophyllin và podofilox: Đây là một loại thuốc bôi không cần rửa, có công dụng phá hủy các mô của nốt sùi mào gà. Các tác dụng phụ bao gồm bỏng, ngứa, đau và viêm cục bộ. Không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai.
  • Axit trichloroacetic: Loại axit này tương tự như axit axetic, được sử dụng để chữa mụn cóc và sùi mào gà. Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như kích ứng da nhẹ, ngứa, sưng, đau. Phương pháp này thường có tỷ lệ tái phát cao và chỉ nên được dùng bởi nhân viên y tế do khả năng gây tổn thương cho các mô xung quanh.

Phẫu thuật cắt đốt

Phẫu thuật cắt đốt được coi là hiệu quả hơn đối với mụn cóc sừng hóa, đặc biệt nếu chúng có kích thước lớn.

  • Tiểu phẫu có sự hỗ trợ gây tê tại chỗ là phương pháp đơn giản và trực tiếp nhưng sẽ để lại sẹo.
  • Phẫu thuật lạnh bằng nitơ lỏng không tốn kém, an toàn trong thời kỳ mang thai và thường không để lại sẹo nhưng cần có thiết bị và bác sĩ có chuyên môn. Loại phẫu thuật này có thể cần gây mê và thường phải điều trị nhiều lần.
  • Đốt điện là phương pháp khá hiệu quả nhưng gây ra sẹo và cần gây mê, thường được chỉ định trong trường hợp bệnh đã lây lan trên diện rộng. Chống chỉ định đốt điện cho người mang máy tạo nhịp tim, tổn thương ở gần hậu môn.
  • Phẫu thuật bằng laser ít chảy máu nhưng có thể kém hiệu quả hơn so với các kỹ thuật xâm lấn khác. Chỉ định ưu tiên cho các tổn thương sùi lớn, lan rộng, sùi ở niệu đạo, âm đạo, cổ tử cung và các tổn thương không đáp ứng điều trị khác.
  • Phẫu thuật cắt bỏ có sự hỗ trợ gây mê toàn thân được thực hiện đối với các tổn thương rộng hơn, mụn cóc trong hậu môn hoặc ở trẻ em.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị vì tình trạng virus đề kháng ở Việt Nam rất cao

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị vì tình trạng virus đề kháng ở Việt Nam rất cao

11Cách chăm sóc người bị sùi mào gà

Sùi mào gà có thể lan rộng, lây nhiễm cho người khác và tái nhiễm, vì vậy người mắc bệnh cần được chăm sóc phù hợp cả trong và sau khi điều trị. Các lưu ý khi chăm sóc người mắc sùi mào gà là:

  • Không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không được dùng thuốc bôi tại cơ quan sinh dục cho các vị trí khác, vì sùi mào gà ở các cơ quan khác nhau do các chủng virus khác nhau gây ra.
  • Người bệnh nên chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân như: sử dụng dung dịch vệ sinh rửa vùng kín có độ pH trung bình, tắm rửa và thay quần áo hàng ngày, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
  • Bệnh nhân nên hạn chế quan hệ tình dục khi phát hiện tổn thương hoặc đang trong quá trình điều trị.
  • Các biện pháp điều trị sẽ giúp khỏi các triệu chứng nhưng không có nghĩa là hết nhiễm virus. Ngay cả sau khi đã điều trị người bệnh vẫn cần đảm bảo các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
  • Luôn đảm bảo theo dõi ngay cả khi đã kết thúc điều trị, nếu gặp các triệu chứng như ngứa ngáy, kích ứng, đau khi giao hợp, đau khi đi tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường, sưng tấy cơ quan sinh dục cần liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
  • Người bệnh cũng nên xây dựng một chế độ ăn lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng để đẩy lùi virus và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm: không nên ăn thực phẩm cay nóng, chiên rán, thực phẩm dễ gây kích ứng và chất kích thích.
  • Tăng cường rau xanh, trái cây, chất đạm lành mạnh; bổ sung các vitamin nhóm BC và các chất chống oxy hóa mạnh như tỏi, hành.

12Cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà

Tiêm vắc xin

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tiêm vắc xin HPV định kỳ cho bé gái và bé trai ở độ tuổi 11 và 12, tốt nhất là trước khi quan hệ tình dục vì chúng có hiệu quả nhất khi một người chưa tiếp xúc với HPV.

Theo Ủy ban Cố vấn về Thực hành Chủng ngừa, tiêm vắc xin HPV định kỳ được khuyến nghị cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi, nhưng nó đã cho thấy hiệu quả cao cho đến tuổi 45. Đối với nam giới, độ tuổi tối ưu để tiêm vắc xin HPV cho nam là từ 11 đến 12 tuổi, nhưng có thể tiêm đến 45 tuổi.

Tác dụng phụ của vắc xin nhẹ, bao gồm đau nhức tại chỗ tiêm, đau đầusốt nhẹ hoặc các triệu chứng giống như cúm.

Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm

Có thể ngăn ngừa lây lan sùi mào gà bằng cách

  • Tiêm vắc xin.
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục.
  • Không quan hệ tình dục trong khi đang điều trị bệnh sùi mào gà.
  • Trao đổi với bạn tình, nếu bạn bị nhiễm HPV để cùng điều trị.
  • Không dùng chung dụng cụ tình dục; nếu có, hãy rửa sạch hoặc bọc chúng bằng bao cao su mới trước khi người khác sử dụng.
  • Khám nam khoa/phụ khoa định kỳ và điều trị triệt để các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có.
  • Chung thủy với một bạn tình hoặc hạn chế số lượng bạn tình.
  • Không thụt rửa âm đạo.

Các bài tin liên quan